Những năm gần đây, thú vui chơi cây mai bonsai ngày Tết đang ngày càng phổ biến, khác với cây mai thông thường, mai bonsai nhỏ gọn hơn, được chăm chút tỉ mỉ để uốn nắn đẹp mắt. Tuy nhiên, sau khi chơi tết xong, bạn cũng cần chăm sóc cây mai bonsai để chúng có thể được phát triển khoẻ mạnh. Sau đây là những cách chăm sóc mai bonsai sau Tết đúng cách.
Cách xử lý cây mai bonsai sau tết
Công việc đầu tiên là phải lặt bỏ hết hoa trái còn sót lại trên cây, sau đó tiến hành cắt tỉa thu cành, cây nuôi trồng được 2- 3 năm tỉa thu cành ít hơn cây nuôi được 1-2 năm.
Cắt tỉa cây cảnh sao cho tròn, phải luôn cắt tỉa cây mới khỏe, những cành nhỏ ngắn, không làm ảnh hưởng đến dáng cây nên chừa lại, sau này sẽ bỏ, khi tán cây che khuất, vì những cành này lá ra nhanh hơn, giúp cây mai mau hồi phục.
Thay đất trồng mới: Kiểm tra, thấy cây mạnh mới thay đất, cây yếu thay đất sẽ làm chết cây, với trường hợp này chỉ soi lấy một ít đất cũ ra thôi.
Thường sau 3 ngày kể từ khi cắt tỉa, thu cành thì tiến hành thay đất chậu cây (mỗi năm 1 lần).
Đất trồng bao gồm hỗn hợp: 1 phần đất đen, đất thịt + 2 phần tro trấu + 1 phần phân hữu cơ hoai mục.
Xem thêm hướng dẫn cách trồng mai vàng , quy trình, khoảng cách được chia sẻ bởi chuyên gia
Cách làm: Dùng bay thợ hồ, lấy một ít đất xung quanh thành chậu, rồi nhẹ nhàng nghiêng chậu xuống và kéo cây ra. Muốn cây non thì cắt bớt rễ già, lấy bớt 1/3 đất bên dưới của bầu đất. Nếu thấy cây có rễ cám màu vàng, không nên cắt tỉa rễ, cây ít rễ quá cũng không cắt, chỉ cắt tỉa rễ ở trạng thái màu đen hoặc nâu vàng.
Kiểm tra lỗ thoát nước nơi đáy chậu luôn thông thoáng, đặt lưới bịt lỗ thoát, cho một phần đất trồng mới vào, đặt cây vô chậu và day ém nhẹ, với cây có dáng trực phải xem gốc với ngọn cùng nằm trên một đường thẳng, cho thêm đất trồng vào cho đầy, sao cho còn cách thành mặt chậu từ 4-6cm là vừa. Sau khi trồng xong, dùng chế phẩm Atonik, tưới vào gốc, giúp cây mau đâm chồi, ra rễ.
Tìm hiểu thêm cách chăm sóc mai vàng sau tết đơn giản nhưng không phải ai cũng biết
Cách uốn sửa cây mai bonsai sau tết
Cây mai bonsai được uốn sửa tạo nhiều dáng thế đẹp như: mai bonsai dáng thác đổ, mai bonsai dáng trực, mai bonsai dáng nghiêng, mai bonsai kiểu tàn thông, cổ thụ…
Dây dùng để uốn sửa cho cây mai bonsai thường là dây nhôm, dây đồng, khi uốn sửa, chú ý dây quấn phải mạnh hơn cành bạn định uốn một chút, để không làm gãy cành và khi uốn vặn, cành không bị trả lại.
Trước khi uốn sửa, phải xác định cho được dáng thân, dáng cành, để khi uốn sửa cành tán phù hợp với dáng cây, cùng đồng thanh, đồng thủ thì mới đẹp.
Bón phân cho cây mai bonsai
Những tháng đầu năm (từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch), mỗi tháng bón phân bánh dầu 1 lần, kết hợp phun phân bón lá (tuần/lần).
Ngoài bánh dầu, khi cây mai phát triển nhiều cành lá, mỗi tháng cũng nên bón bổ sung phân hữu cơ Dynamic 1 lần, khoảng gần cuối tháng 10 âm lịch, dùng phân kali đơn chất pha loãng với nước tưới vào gốc cho cây 2 lần, cách nhau 7 ngày 1 lần, có tác dụng khi cây nở hoa sẽ nở đồng loạt, hoa đẹp sáng, lâu tàn.
Tìm hiểu thêm Hướng dẫn kỹ thuật tạo dáng mai vàng đẹp nhất
Cách tưới nước cho cây mai bonsai
Cây mai bonsai thường được trồng trong chậu cạn, chậu nhỏ, chất trồng không đủ nhiều, vì vậy chậu cây rất là nhanh khô, nếu bạn quên chăm sóc cho cây 1-2 ngày, dễ làm cây bị thiếu nước, khô héo, ảnh hưởng đến việc tạo lập nụ hoa cũng như số lượng, chất lượng hoa sau này.
Khi tưới nước, nên dùng vòi nước có tia nhỏ, tưới chậm qua một lượt, 5 phút sau tưới lại lần nữa, khi thấy nước ở lỗ thoát đáy chậu rỉ ra là đủ. Kể từ khi cây phát dục đến giai đoạn sắp vặt lá, mỗi ngày cần tưới nước cho 1-2 lần (trừ khi mưa lớn)
Cách cắt tỉa cho cây mai bonsai
Đến tháng 5 âm lịch, lúc này cây mai có nhiều cành lá, cành vươn dài, nên cắt bỏ các đọt non, qua đến cuối tháng 7 âm lịch, cắt tỉa các đọt ngọn lần nữa, tỉa cho tròn cây, kết hợp dùng dây nhôm, dây đồng, uốn sữa tạo tán cho cây. Từ tháng 9 âm lịch trở đi, không nên cắt tỉa cành nhánh nữa, dễ làm cây bị sốc, trổ hoa sớm.